Là nhà giao dịch, bạn phải biết về các công ty lớn nhất trên thế giới cũng như nắm được tình hình hoạt động của họ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể mười công ty lớn nhất tại Hoa Kỳ. Đây là một số công ty được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, vì vậy, bạn cần tìm hiểu rõ về các công ty này để tự tạo cơ hội giao dịch cho mình.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về:
Lớn nhất nghĩa là gì?
Có nhiều cách để đo lường quy mô của các công ty, từ doanh thu cho đến lợi nhuận, thậm chí cả số lượng nhân viên hoặc thị phần của họ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ sử dụng giá trị vốn hóa thị trường làm thước đo. Giá trị vốn hóa thị trường là giá trị thị trường của các cổ phiếu đang lưu hành từ một công ty được giao dịch công khai, được tính bằng cách lấy số lượng cổ phiếu đang lưu hành nhân với giá cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường thể hiện giá trị vốn chủ sở hữu của một công ty và có thể được coi là thước đo đánh giá dư luận về giá trị của công ty đó.
10 công ty lớn nhất Hoa Kỳ
Xếp hạng | Công ty | Giá trị vốn hóa thị trường (tỷ USD)* |
---|---|---|
1 | Apple | 2224 |
2 | Microsoft | 1918 |
3 | Alphabet (Google) | 1477 |
4 | Amazon | 1092 |
5 | Tesla | 723 |
6 | Berkshire Hathaway | 604 |
7 | UnitedHealth | 477 |
8 | Johnson & Johnson | 466 |
9 | Meta Platforms (Facebook, Instagram, Whatsup) | 435 |
10 | Visa | 419 |
*Theo Companies MarketCap.com, tính đến ngày 29/06/2022
Có lẽ bạn sẽ nhận ra hầu hết các công ty này và đang sử dụng rất nhiều sản phẩm và dịch vụ của họ. Chúng ta có thể thấy rằng có bốn công ty trong số này đã vượt mốc một nghìn tỷ đô la, và tất cả các công ty đều có giá trị trên $400 tỷ. Có thể thấy rõ rằng danh sách này đa phần là các công ty kinh doanh công nghệ, tài chính và điện tử.
1. Apple (AAPL)
Đứng ở vị trí số một trong danh sách của chúng tôi là Apple, công ty duy nhất của Hoa Kỳ có giá trị vốn hóa thị trường hơn hai nghìn tỷ USD. Như bạn đã biết, Apple là nhà phát triển phần cứng và phần mềm chuyên sáng tạo và phát triển đủ loại công nghệ và hệ điều hành, đặc biệt là công nghệ tiêu dùng như điện thoại thông minh và máy tính.
Apple được thành lập vào năm 1976 bởi Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne, và bán cổ phiếu công khai vào năm 1980. Công ty này đạt được thành công nhờ việc phát triển và sản xuất chiếc máy tính đời đầu. Năm 1985, những tranh giành quyền lực trong ban điều hành khiến Wozniak phải lùi về sau và Jobs rời công ty để thành lập NeXT. Việc này đã khiến Apple gặp khó khăn trong suốt những năm 1990 khi công ty đánh mất thị phần vào tay Microsoft và suýt phá sản vào năm 1997 khi mua lại NeXT và đưa Jobs trở lại. Trong vài thập kỷ tiếp theo, Apple bắt đầu chiếm lĩnh thị trường nhờ sáng tạo ra các sản phẩm mới như iPod, iPhone và iMac.
Apple thường nằm trong danh sách những thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới nhờ mức độ trung thành rất cao của người tiêu dùng với thương hiệu thông qua các sản phẩm chất lượng cao, dễ sử dụng và có hệ điều hành riêng. Một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Apple giúp công ty phát triển mạnh mẽ đến vậy là việc mua lại các công ty công nghệ nhỏ, chẳng hạn như Beats Electronics, Anobit Technologies, Dialog Semiconductor và NeXT cùng nhiều công ty khác. Điều này giúp Apple dễ dàng tích hợp các yếu tố từ những công ty này vào sản phẩm của họ
Tổng Giám đốc của Apple là Tim Cook, tiếp quản công ty từ Steve Jobs vào năm 2011. Tính đến năm 2021, công ty có hơn 154.000 nhân viên và 519 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới.
2. Microsoft (MSFT)
Một gã khổng lồ công nghệ khác là Microsoft, công ty lớn thứ hai tại Hoa Kỳ. Đây là công ty phát triển và cung cấp phần mềm và dịch vụ công nghệ, chẳng hạn như hệ điều hành máy tính Windows, cùng với các giải pháp đám mây, công cụ tìm kiếm Bing và các ứng dụng như Word. Công ty này cũng sản xuất một số công nghệ phần cứng như máy tính nhân sự và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Trong những năm gần đây, Microsoft cũng tìm cách đầu tư và phát triển tại các thị trường tiềm năng trong tương lai như sản phẩm nhân tạo, thực tế hỗn hợp và các lĩnh vực khác có liên quan.
Đối thủ chính của họ chính là Apple mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên, đây cũng là công ty mà Microsoft cạnh tranh từ không lâu sau khi thành lập cho đến tận ngày nay. Cũng như Apple, Microsoft mở rộng quy mô bằng cách mua lại nhiều công ty trong những năm qua. Microsoft có cách thức mua lại hơi khác, đó là mua một số công ty có giá trị cao hơn nhiều, chẳng hạn như công nghệ LinkedIn và Skype. Sau đó, các công ty này được Microsoft điều hành, vẫn tiếp tục hoạt động ở các thị trường cũ, thay vì được tích hợp vào dòng sản phẩm như ở Apple.
Trụ sở hiện tại của Microsoft nằm ở Redmond, Washington, Hoa Kỳ, công ty được thành lập vào năm 1975 bởi Bill Gates và Paul Allen. Steve Ballmer đã thay thế giám đốc cũ và trở thành Tổng Giám đốc vào năm 2000, bắt đầu mở rộng công ty theo chiến lược “thiết bị và dịch vụ”. Công ty sản xuất chiếc máy tính cá nhân đầu tiên vào năm 2012, thậm chí còn mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia để sản xuất dòng điện thoại di động đầu tiên của mình.
3. Alphabet (GOOG)
Alphabet Inc, trước đây là Google LLC, đứng thứ ba trong danh sách của chúng tôi. Công ty này được thành lập vào năm 1988, chỉ đơn giản là một công ty công cụ tìm kiếm và mãi đến năm 2004 mới bán cổ phiếu công khai cho công chúng. Google đã thay đổi cách công chúng xem thông tin và trở thành công ty thống trị thị trường công cụ tìm kiếm, đồng thời lấn sang các thị trường công nghệ khác.
Năm 2015, Google đã tái cơ cấu và trở thành Alphabet, một tập đoàn công nghệ, trở thành công ty mẹ và hợp nhất các công ty hợp danh và dòng sản phẩm đang ngày một mở rộng của công ty. Larry Page, Tổng Giám đốc lúc bấy giờ chia sẻ, mục tiêu của việc này là để tăng “tính minh bạch và giám sát” cho hoạt động của công ty.
Google quản lý nhiều nền tảng và dịch vụ kỹ thuật số, trong đó, đáng chú ý nhất là công cụ tìm kiếm, ngoài ra còn có trình duyệt internet Chrome, YouTube, Android, Gmail và nhiều dịch vụ internet khác. Alphabet cũng có bộ phận Other Bets, gồm có các đơn vị kinh doanh đang phát triển ở giai đoạn đầu, hầu hết doanh thu của các công ty này đến từ một số hình thức dịch vụ công nghệ. Công ty cũng đã tìm cách đổi mới trong các ngành đang phát triển, đầu tư mạnh vào phương tiện tự lái thông qua Waymo và hệ thống dịch vụ chơi game trên đám mây Stadia.
4. Amazon (AMZN)
Công ty lớn thứ tư ở Hoa Kỳ là Amazon. Tại thời điểm thành lập năm 1994 bởi Jeff Bezos, Amazon là thị trường trực tuyến dành riêng cho sách. Qua nhiều năm, hoạt động kinh doanh của công ty đã mở rộng đáng kể không chỉ về quy mô, mà quan trọng là còn mở rộng sự đa dạng sản phẩm của công ty. Hiện nay, đây là công ty hàng đầu thế giới về thương mại điện tử, thị trường trực tuyến của Amazon cung cấp rất nhiều loại sản phẩm, từ đồ điện tử đến sản phẩm may mặc, thậm chí cả thực phẩm và nội thất, hầu hết đều do những người bán khác cung cấp.
Gần đây, Amazon đã mở rộng hơn và trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực điện toán đám mây, cung cấp dịch vụ trực tuyến cho nhiều người tiêu dùng, chẳng hạn như dịch vụ thuê bao nghe nhạc và phát trực tuyến, thậm chí còn đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Không nghi ngờ gì, Amazon đã thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm, và hiện tại đây là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.
Trụ sở chính của Amazon nằm ở Seattle, Washington, Tổng Giám đốc Andy Jassy đã lãnh đạo công ty kể từ khi tiếp quản từ nhà sáng lập Bezos vào năm 2021.
5. Tesla (TSLA)
Đứng thứ năm trong danh sách của chúng tôi và là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới theo giá trị vốn hóa thị trường là Tesla. Công ty này được thành lập vào năm 2003 bởi Marc Tarpenning và Martin Eberhand. Elon Musk đã đầu tư vào công ty và trở thành chủ tịch một năm sau đó. Tên công ty được lấy từ tên của nhà vật lý Nikola Tesla. Công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2010, Musk là cổ đông lớn nhất hiện nay.
Ban đầu, Tesla chỉ sản xuất phương tiện điện tử, nhưng dưới sự chỉ đạo của Musk, công ty cũng đã chuyển sang các thị trường liên quan như cung cấp dịch vụ xe cộ và trạm sạc. Gần đây, công ty này đang tiên phong trong hoạt động phát triển và đổi mới các sản phẩm sản xuất năng lượng và lưu trữ năng lượng tiên tiến hơn. Các sản phẩm này rất đa dạng, từ sản phẩm dành cho hộ gia đình cho đến sản phẩm cho lưới điện, như pin mặt trời và mái ngói năng lượng mặt trời, các công nghệ tân tiến này có tiềm năng sử dụng trong tất cả các loại công nghệ tương lai.
Musk cho biết mục tiêu của Tesla là hỗ trợ chuyển đổi sang vận tải và năng lượng bền vững nhanh chóng hơn thông qua xe ô tô điện và năng lượng mặt trời. Hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng mở rộng với doanh số năm 2021 tăng 87%.
6. Berkshire Hathaway (BRK-B)
Đứng ở vị trí thứ sáu là Berkshire Hathaway, một công ty khác biệt hoàn toàn với các công ty trước đó trong danh sách của chúng tôi. Nguyên nhân là do đây là công ty nắm giữ cổ phần tập đoàn đa quốc gia, nghĩa là hoạt động kinh doanh chính của công ty là nắm giữ quyền kiểm soát đối với chứng khoán của các công ty khác trong nhiều ngành khác nhau, tại các quốc gia khác nhau.
Công ty được thành lập vào năm 1839, nhưng trở nên nổi tiếng nhờ hoạt động đầu tư sáng suốt của Warren Buffett, người đã mua lại công ty hơn 50 năm trước. Ông đã biến Berkshire Hathaway thành một công ty nắm giữ cổ phần bằng cách chuyển dòng tiền từ doanh nghiệp chính của mình sang đầu tư vào các công ty khác, đầu tiên là mua lại các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh khó khăn, giúp các doanh nghiệp đó vực dậy và tiếp tục hoạt động, khi đó ông trở thành chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của công ty cho đến nay.
Năm 2022, Berkshire Hathaway sở hữu hoàn toàn nhiều doanh nghiệp lớn như GEICO, Fruit of the Loom, Dairy Queen và Duracell, cùng nhiều doanh nghiệp khác. Công ty cũng nắm giữ phần lớn quyền kiểm soát thiểu số trong các công ty khác như Công ty Coca-Cola (9,32%), American Express (18,8%), Ngân hàng Hoa Kỳ (11,9%), Apple (5,56%) và Công ty Kraft Heinz (26,7%).
7. United Health (UNH)
UnitedHealth Group đứng ở vị trí thứ bảy trong danh sách của chúng tôi. Đây là một công ty bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe có quản lý, nghĩa là mục đích của công ty là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao với giá thành hợp lý hơn cho khách hàng.
Công ty được thành lập dưới cái tên Charter Med Incorporated vào năm 1974 bởi Richard Taylor Burke và được tái tổ chức thành United Health Care Corporation vào năm 1977. Hiện nay, đây là công ty chăm sóc sức khỏe có doanh thu lớn nhất thế giới từ phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm rủi ro, cùng với doanh số từ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, phí từ các dịch vụ công ty cung cấp và các khoản đầu tư của công ty.
UnitedHealth Group có hơn 130 triệu khách hàng trên toàn thế giới và có hơn 300.000 nhân viên.
8. Johnson & Johnson (JNJ)
Đứng thứ tám trong danh sách này là công ty dược phẩm Johnson & Johnson. Công ty này chuyên cung cấp và phát triển các thiết bị y tế, sản phẩm tiêu dùng và dược phẩm tại hơn 175 quốc gia. Công ty được thành lập vào năm 1886 và có trụ sở tại New Jersey, hiện có 250 công ty con hoạt động dưới sự bảo trợ của công ty. Các công ty này cung cấp nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe nổi tiếng như băng cá nhân Band-Aid, các sản phẩm cho trẻ em Johnson, thuốc Tylenol, Listerine cùng với nhiều sản phẩm dành cho người tiêu dùng và giới chuyên môn khác.
Johnson & Johnson phát triển vô cùng nổi bật trong vài năm qua vì đây là một trong những nhà cung cấp vắc-xin COVID-19 chính ở Hoa Kỳ. Vào tháng 11 năm 2021, công ty thông báo sẽ tách thành hai công ty, một công ty tập trung vào dược phẩm và công nghệ y tế, và công ty còn lại sẽ tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng.
9. Meta Platforms (META)
Trước đây có tên là Facebook, được thành lập vào năm 2004 bởi bốn sinh viên khi vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trưởng ở Đại học Harvard. Một trong những nhà sáng lập, Mark Zuckerberg, hiện vẫn là Tổng Giám đốc của công ty. Meta là công ty cuối cùng trong số Năm công ty công nghệ thông tin lớn của Hoa Kỳ (Big Five), bốn công ty còn lại là Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon mà chúng tôi đã giới thiệu ở đầu danh sách này. Doanh nghiệp đầu tiên của Meta, Facebook, là mạng xã hội lớn nhất thế giới mở rộng thành Meta, tạo và mua các ứng dụng mạng khác, chẳng hạn như Instagram, WhatsApp và Messenger.
Mục đích chính của các ứng dụng trong Meta là tương tác trực tuyến với bạn bè và gia đình trên mạng xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, Meta còn được các doanh nghiệp và tổ chức chính trị sử dụng để tiếp cận số lượng lớn đối tượng mục tiêu. Công ty thu được doanh số chủ yếu từ quảng cáo, với 97,5% doanh số năm 2021 thu về từ quảng cáo.
10. Visa (V)
Đứng ở vị trí cuối cùng trong top 10 công ty lớn nhất của chúng tôi là tập đoàn dịch vụ tài chính Visa. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là cung cấp tiền cho cá nhân bằng phương tiện điện tử thông qua thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước của Visa. Visa khác biệt ở chỗ công ty không phát hành thẻ, đặt lãi suất hay gia hạn tín dụng cho người tiêu dùng. Thay vào đó, công ty cung cấp các sản phẩm thanh toán điện tử cho các tổ chức tài chính, sau đó, những tổ chức này sẽ sử dụng các sản phẩm này để cung cấp cho người tiêu dùng các chương trình ghi nợ, tín dụng hoặc trả trước, với lãi suất và mức tín dụng do họ đặt ra.
Ban đầu, Visa ra mắt dưới cái tên BankAmericard bởi Ngân hàng Hoa Kỳ vào năm 1958. Đây là một chương trình thẻ tín dụng được tung ra để đáp trả đối thủ cạnh tranh lâu năm của mình là Master Charge, nay là Mastercard. Năm 1970, Ngân hàng Hoa Kỳ từ bỏ quyền kiểm soát chương trình. Chương trình này cùng các ngân hàng phát hành khác đã thành lập tập đoàn, lấy tên là Visa vào năm 1976.
Chúng tôi hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về Top 10 công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo giá trị vốn hóa thị trường.
Nếu thích bài viết này, bạn cũng có thể xem thêm Hướng dẫn cho nhà giao dịch về 10 nền kinh tế chính trên toàn cầu theo GDP của chúng tôi.