Giao dịch ngoại hối, hay Forex, đã trở nên vô cùng phổ biến trong thế kỷ 21 đối với các nhà giao dịch bán lẻ cá nhân chuyên nghiệp và nghiệp dư. Mặc dù giao dịch FX (tên thường gọi của giao dịch ngoại hối) là một phần quan trọng trong hệ thống ngân hàng lớn hơn trong nhiều thế kỷ, nhưng các cá nhân từ lâu đã không còn tiếp cận được với lĩnh vực này. Trong thế kỷ 20, các nhà giao dịch cá nhân có thể dễ dàng nắm quyền sở hữu cổ phiếu và chứng khoán, thậm chí là trái phiếu chính phủ, nhưng chỉ đến khi có sự bùng nổ của giao dịch Hợp đồng chênh lệch vào thế kỷ 21, thì nó mới trở thành lựa chọn giao dịch khả thi cho các nhà giao dịch bán lẻ.
Trong hướng dẫn này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về:
Ngoại hối là gì?
Giao dịch ngoại hối hay giao dịch tiền tệ còn được gọi là giao dịch Forex hay FX, nghĩa là trao đổi một loại tiền tệ này với một loại tiền tệ khác. Sự trao đổi này chính là điểm khác biệt của giao dịch tiền tệ với các loại tài sản khác. Khi giao dịch ngoại hối, bạn phải dự đoán xem một loại tiền tệ sẽ tăng hay giảm so với một loại tiền tệ khác. Giao dịch ngoại hối là giao dịch “giá trị tương đối”, nghĩa là bạn tìm kiếm một loại tiền tệ tăng hoặc giảm giá trị so với một loại tiền tệ khác. Như vậy, với giao dịch ngoại hối, chúng ta phải chọn loại tiền tệ mà chúng ta dự đoán là sẽ tăng giá trị, và chọn loại tiền tệ mà chúng ta dự đoán là có thể giảm giá trị, quan trọng là giảm giá trị so với loại tiền tệ kia.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Ngoại hối và giao dịch tiền tệ tại đây.
“Cặp tiền tệ chính” là gì?
Các cặp tiền tệ ngoại hối “chính” bao gồm một số kết hợp tiền tệ phổ biến nhất trên thị trường ngoại hối. Mặc dù không có danh sách chính xác về các cặp tiền tệ “chính”, nhưng chắc chắn là mọi danh sách đều có bốn cặp tiền tệ “chính” truyền thống, đó là EURUSD, USDJPY, GBPUSD và USDCHF. Ngoài ra, loại “tiền tệ hàng hóa” được giao dịch nhiều nhất, USDCAD và AUDUSD, cũng nằm trong danh sách sáu cặp tiền tệ hàng đầu của chúng tôi (nhiều người cho rằng NZDUSD sẽ là cái tên thứ bảy trong danh sách này). Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng tất cả các cặp tiền tệ “chính” này đều bao gồm các loại tiền tệ so với Đô la Mỹ.
Hãy cùng tìm hiểu về 6 cặp tiền tệ ngoại hối chính này
EUR/USD
EURUSD là số tiền bằng Đô la Mỹ cần thiết để mua một Euro. EURUSD được coi là cặp ngoại hối quan trọng nhất vì USD và EUR là hai loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên khắp thế giới, và cũng là loại tiền tệ dự trữ nhiều nhất và nhiều thứ hai. Đồng Euro được ra mắt vào năm 1999, ban đầu được dùng để thay thế cho 11 loại tiền tệ quốc gia, và hiện được hơn 300 triệu người sử dụng ở 19 quốc gia châu Âu.
Đô la Mỹ là loại tiền tệ dự trữ chính trên toàn cầu và là tiền tệ chiếm ưu thế chính trên thị trường thương mại quốc tế. Nguồn cung Đô la Mỹ chịu sự kiểm soát của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang. Mặc dù theo dự báo, Đô la Mỹ rồi sẽ nhường vị trí thống lĩnh toàn cầu cho đồng Euro, nhưng loại tiền tệ của Mỹ này vẫn là đồng tiền trú ẩn an toàn trong thời kỳ khủng hoảng và là loại tiền tệ dự trữ chính trên toàn cầu.
USD/JPY
Yên Nhật là loại tiền tệ được giao dịch nhiều thứ ba trên toàn cầu và là một loại tiền tệ dự trữ phổ biến. Dân số Nhật Bản bằng khoảng 40% dân số Hoa Kỳ và Nhật Bản có nền kinh tế tương đối lớn. Ngân hàng Nhật Bản là cơ quan kiểm soát nguồn cung đồng Yên. Yên được coi là đồng tiền trú ẩn tốt nhất (thậm chí còn hơn cả Đô la Mỹ) trong thời kỳ căng thẳng toàn cầu. Có rất nhiều lý do cho việc này, bao gồm lãi suất siêu thấp ở Nhật Bản kể từ những năm 1990, áp lực chuyển tài sản về nước từ vị thế tài sản nước ngoài ròng dương và cả các lý do về mặt lịch sử, truyền thống.
GBP/USD
Bảng Anh là loại tiền tệ lâu đời nhất trên thế giới vẫn được lưu hành cho đến ngày nay. Đây cũng là loại tiền tệ dự trữ phổ biến thứ ba (sau Đô la Mỹ và Euro), và là loại tiền tệ được giao dịch nhiều thứ tư. Vương quốc Anh rời Liên minh Châu Âu sau sự kiện Brexit vào năm 2020, do đó, Bảng Anh có lẽ sẽ không chấp nhận Euro trong thời gian tới. Tỷ giá hối đoái Bảng Anh so với Đô la Mỹ, GBPUSD, thường được gọi là Cáp trong giới ngoại hối, xuất hiện từ thế kỷ 19 khi tỷ giá hối đoái được truyền qua Đại Tây Dương bằng đường cáp ngầm xuyên biển.
USD/CHF
Franc Thụy Sĩ còn được biết đến với cái tên Swissie trong giới giao dịch tiền tệ, và mã tiền tệ CHF xuất phát từ tên La-tinh cũ của Thụy Sĩ, Confoederatio Helvetica, với chữ F là viết tắt của Franc. Thụy Sĩ là một trong những nền kinh tế có năng suất cao và ổn định nhất tại Châu Âu, đồng Franc Thụy Sĩ cũng được hỗ trợ bởi lượng dự trữ vàng lớn. Người dân Thụy Sĩ đã phản đối việc chuyển đổi sang đồng Euro, thậm chí phản đối cả việc gia nhập Liên minh Châu Âu. Một trong những lý do là vì đồng Franc Thụy Sĩ rất ổn định, ngoài ra còn do Thụy Sĩ có truyền thống giữ vị thế trung lập trước các xung đột trên thế giới, do đó, đồng Franc Thụy Sĩ cũng là một loại tiền tệ trú ẩn an toàn.
USD/CAD
Đô la Canada được gọi là Loonie trong giới giao dịch ngoại hối, là tên của đồng xu một đô la Canada, có hình của loài chim lặn rất phổ biến ở Canada. Đô la Canada có sự tương quan chặt chẽ với Đô la Mỹ, bởi hai quốc gia này là láng giềng của nhau, nên nền kinh tế của hai nước có mối liên hệ rất bền chặt. 85% hàng xuất khẩu của Canada là xuất khẩu sang Mỹ, trong khi đó, Canada nhập khẩu khoảng 50% hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ. Một số mặt hàng lớn nhất của Canada là dầu và gỗ. Do đó, một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá trị của Đô la Canada là giá dầu. Do đó, Đô la Canada thuộc nhóm tiền tệ hàng hóa.
AUD/USD
Đô la Úc được ra mắt vào năm 1966 để thay cho Bảng Úc và là đồng tiền của Khối thịnh vượng chung Úc (bao gồm Úc, bảy vùng lãnh thổ phụ thuộc và ba quốc gia). Ngày nay, Đô la Úc (AUD) là một trong những loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu (đứng thứ năm, sau USD, EUR, JPY và GBP). Úc là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn của nguyên liệu thô như Quặng sắt, Than đá, Khí đốt, Vàng và Ôxít nhôm. Do đó, cũng như Đô la Canada, Đô la Úc được coi là một loại tiền tệ hàng hóa.
Các cặp tiền tệ ngoại hối chính: Tóm lược
Sau khi khám phá 6 Cặp tiền tệ ngoại hối chính, từ nay, bạn đã có thể tự tin bước vào thế giới giao dịch ngoại hối và thực hiện giao dịch ngoại hối đầu tiên với Hantec Markets.
Cặp ngoại hối | Tên gọi | Ngân hàng trung ương |
---|---|---|
EUR/USD | Euro | Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) |
USD/JPY | Yên | Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) |
GBP/USD | Cáp | Ngân hàng Anh (BoE) |
USD/CHF | Swissie | Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) |
USD/CAD | Loonie | Ngân hàng Canada (BoC) |
AUD/USD | Aussie | Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) |
Đô la Mỹ | Đô la | Cục Dự trữ Liên bang |